Tại thời điểm kết thúc phiên sáng, thị trường ghi nhận giá trị bán ròng hơn 489 tỷ đồng của khối ngoại trên cả 3 sàn, nhưng chỉ cần 1 giờ đông hồ đầu phiên chiều, giá trị bán ròng đã bị đẩy lên mức 1,162 tỷ đồng.
Đáng nói, giá trị tăng đột biến đến từ động thái bán ròng hơn 550 tỷ đồng của khối ngoại tại FUEVFVND – chứng chỉ của quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND. Xếp sau là các cổ phiếu FPT, TCB hay POW, nhìn chung mức bán ròng ở các mã này có tăng nhẹ so với cuối phiên sáng.
Top cổ phiếu khối ngoại mua - bán ròng trong phiên 27/06/2024, tính đến 14h10
Phiên sáng: Sắc đỏ hiện diện ở 3 sàn, thanh khoản sụt giảm
Khép lại phiên sáng ngày 27/06, sắc đỏ hiện diện trên cả 3 sàn, thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh khối ngoại vẫn bán ròng. VN-Index giảm 4.21 điểm còn 1,257.03 điểm, HNX giảm 1.26 điểm còn 238.42 điểm, UPCoM giảm 0.45 điểm còn 98.45 điểm.
Toàn thị trường có 402 mã đỏ, 13 mã xanh sàn, trong khi chỉ 265 mã xanh và 19 mã tím trần, còn lại 908 mã đứng giá.
Giá trị giao dịch phiên sáng chỉ hơn 7,034 tỷ đồng, thấp hơn phiên hôm qua cũng như trung bình 5 phiên gần nhất.
Xét theo nhóm ngành, có đến 19 ngành giảm điểm. Trong đó 6 ngành giảm trên 1%, bao gồm: Tài chính khác giảm 1.58%; dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 1.5%; sản xuất phụ trợ giảm 1.11%; bán buôn giảm 1.09%; dịch vụ tư vấn, hỗ trợ giảm 1.07%; chứng khoán giảm 1.02%.
Trong danh sách này, nhóm bán buôn và chứng khoán có tác động khá đáng kể lên diễn biến chung của thị trường do quy mô vốn hóa tương đối lớn. Với chứng khoán, áp lực đến từ SSI giảm 0.58%, VCI giảm 0.76%, VND giảm 1.8%, HCM giảm 0.94%, MBS giảm 1.88%... Còn với bán buôn, sức ép đến từ PLX giảm 1.53%, VFG giảm 2.01%, PET giảm 0.73%...
Ngược lại, nhóm bảo hiểu vẫn giữ được phong độ cao với mức tăng 2.68%, đóng góp lớn bởi BVH tăng 4.36% và PVI tăng 0.18%, BIC tăng 1.62%, VNR tăng 1.15%, MIG tăng 6.28% hay BMI tăng 2.35%.
Khối ngoại tiếp nối động thái bán ròng với giá trị hơn 489 tỷ đồng, tập trung bán ròng TCB hơn 80 tỷ đồng, FPT hơn 65 tỷ đồng, POW hơn 44 tỷ đồng hay VND hơn 32 tỷ đồng. Ở chiều mua ròng, PC1 được mua mạnh nhất cũng chỉ gần 19 tỷ đồng.
10h40: Cổ phiếu bảo hiểm dậy sóngKhông ngoài dự đoán, thị trường tiếp tục giằng co trong phiên sáng với thanh khoản không cao. Các nhóm ngành hầu hết giảm điểm, nhưng cổ phiếu bảo hiểm “ngược dòng” tăng mạnh.
Tính đến 10h30, VN-Index giảm 1.92 điểm còn 1,259.32 điểm; HNX giảm 0.68 điểm còn 239 điểm và UPCoM giảm 0.27 điểm còn 98.63 điểm. Sắc đỏ đang dần lan rộng hơn trên thị trường.
Xét theo nhóm ngành, số lượng ngành giảm điểm chiếm đa số theo dữ liệu của VS-SECTOR, bao gồm nhiều ngành vốn hóa lớn như bất động sản, bán lẻ, ngân hàng, chứng khoán.
Ngành có mức giảm mạnh nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống khi giảm 1.41%, trong đó có NVT giảm 4.59% và VNG giảm 3.83%. Riêng NVT đang có phiên giảm thứ 3 liên tiếp sau chuỗi 6 phiên tăng trần đưa cổ phiếu “vượt mệnh". Cũng ghi nhận mức giảm trên 1% là nhóm tài chính khác, nổi bật với IPA giảm 2.84% và TVC giảm 2.73%.
Dù số ngành tăng chiếm thiểu số nhưng ngành bảo hiểm tăng đến 3.16%, mạnh nhất thị trường, với các động lực mạnh mẽ từ BVH tăng 4.58%, PVI tăng 1.05%, BIC tăng 2.16%, VNR tăng 2.68%, MIG tăng 6.28% hay BMI tăng 2.94%.
Mở cửa: Giằng co đầu ngày, GVR tiếp tục nổi bậtThị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa ngày 27/06 với diễn biến giằng co quanh tham chiếu. Tính đến 9h30, VN-Index giảm 0.72 điểm còn 1,260.52 điểm; HNX giảm 0.23 điểm còn 239.44 điểm và UPCoM giảm 0.09 điểm còn 98.81 điểm.
Trên thị trường, GVR nổi bật với mức tăng 1.11% và cũng chính là cổ phiếu tạm thời mang lại nhiều điểm nhất cho VN-Index với 0.76 điểm. Những phiên gần đây, GVR ghi nhận mức tăng tốt, đặc biệt phiên 26/06 còn tăng trần.
Các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng vẫn có sự chi phối lớn như thường lệ, với BID, VCB, MSB, CTG, MBB và LPB trong nhóm đóng góp điểm tăng, nhưng diễn biến cũng khá trái chiều khi VPB, TCB, SSB, ACB góp mặt trong nhóm tác động tiêu cực.
Khối ngoại tạm thời bán ròng hơn 115 tỷ đồng, mạnh nhất là FPT gần 29 tỷ đồng và TCB hơn 25 tỷ đồng. Ngược lại, MBB được mua ròng gần 14 tỷ đồng. Dù vẫn bán ròng, nhưng nhìn chung đang dần được thu hẹp kể từ phiên 24/06.
Có thể thấy, VN-Index đang nỗ lực tìm điểm cân bằng sau 2 phiên giảm mạnh 14/06 và 24/06. Đánh giá về diễn biến này, nhiều chuyên gia đưa ra góc nhìn không tiêu cực.
Cụ thể, ngay sau phiên 24/06 giảm mạnh gần 28 điểm, ông Nguyễn Hồng Điệp – Sáng lập CTCP ViCK cho biết không cảm thấy bất ngờ với phiên giảm hôm nay và nhận định đây là phiên điều chỉnh nằm trong kế hoạch và cần thiết để thị trường tìm ra điểm cân bằng đáy. Hay trong phiên giảm gần 22 điểm trong ngày 14/06 trước đó, ông Bùi Văn Tốt – Giám đốc đầu tư SSIAM cũng cho rằng việc điều chỉnh như như thế này trong một xu hướng tăng là điều bình thường.
Huy Khải
FILI